Thời gian này, tôi nghe nhiều câu chuyện về những người bạn trẻ, tốt nghiệp từ những trường danh tiếng như Ngoại Thương hay Kinh tế Quốc dân, vẫn chật vật tìm kiếm cơ hội việc làm. Họ đã cố gắng học hỏi, thay đổi để thích nghi với thị trường lao động khắc nghiệt, nhưng dường như mọi nỗ lực vẫn chưa mang lại kết quả. Điều này khiến tôi tự hỏi: liệu sự "cố gắng" của chúng ta đã thực sự đi đúng hướng?
Định nghĩa lại sự cố gắng
Theo góc nhìn của riêng tôi, sự cố gắng thực sự không chỉ là việc chúng ta vung vẩy tay chân hay thức khuya làm việc. Nó là một hành động có ý thức, một sự thách thức vào hiện trạng của bản thân với mục tiêu làm cho nó tốt hơn. Và trong quá trình này, tôi nhận thấy có hai luồng cố gắng chính: cố gắng bên ngoài (External) và cố gắng bên trong (Internal).
Cố gắng bên ngoài và bên trong
Cố gắng bên ngoài thường là những nỗ lực để đáp ứng những xu hướng và nhu cầu từ thế giới bên ngoài, những tiêu chuẩn mà xã hội đặt ra. Ví dụ, khi thị trường IT đang "hot", nhiều bạn đổ xô đi học lập trình chỉ vì thấy cơ hội việc làm rộng mở, dù có thực sự đam mê hay không.
Ngược lại, cố gắng bên trong xuất phát từ những giá trị cốt lõi bên trong mỗi người. Đó là khi chúng ta nỗ lực để phát triển bản thân theo những gì chúng ta thực sự tin tưởng và trân trọng.
Ngắn hạn và dài hạn trong nỗ lực
Khi nói về sự cố gắng, chúng ta cũng cần phân biệt giữa nỗ lực ngắn hạn (short-term) và nỗ lực dài hạn (long-term). Nỗ lực ngắn hạn thường là những hành động tức thời để giải quyết một vấn đề trước mắt hoặc đáp ứng một nhu cầu nhất định của xã hội. Ví dụ, một sinh viên mới ra trường cố gắng nộp đơn vào hàng chục công ty với hy vọng có được một công việc bất kỳ.
Nỗ lực dài hạn lại là một quá trình xây dựng và phát triển bản thân dựa trên những giá trị sâu sắc bên trong. Ví dụ, nếu một người coi trọng sự sáng tạo và đóng góp, nỗ lực dài hạn của họ có thể là việc không ngừng học hỏi, thử nghiệm những ý tưởng mới trong lĩnh vực mình đam mê, dù ban đầu có thể chưa mang lại kết quả ngay lập tức.
Lời nói và hành động
Tôi từng đọc được một câu nói rất thấm thía: "Sự cố gắng ai cũng có thể nói, nhưng không mấy ai thực sự làm." Ngẫm lại, tôi thấy nó quá đúng với bản thân mình. Tôi luôn miệng nói rằng mình sẽ cố gắng tập thể dục để giảm cái "bụng một múi to chà bá lửa" này, nhưng kết quả thì... chắc các bạn cũng đoán được, cân nặng của tôi vẫn không ngừng "leo thang".
Tôi cũng đã từng "cố gắng" học IELTS. Đăng ký trung tâm, mua sách vở đầy đủ, nhưng sau 6 tháng, trình độ của tôi vẫn lẹt đẹt ở mức khởi đầu. Nhìn lại quá trình học, tôi phải thừa nhận rằng bản thân mình... không thực sự cố gắng. Sự "cố gắng" của tôi chỉ dừng lại ở việc nói và những hành động hời hợt ban đầu.
Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt?
Ở công ty tôi, có những bạn ban đầu không nổi trội, thậm chí có phần yếu kém so với đồng nghiệp. Nhưng họ đã không ngừng thách thức bản thân, nỗ lực học hỏi và sau một thời gian, họ đã trở thành những người giỏi nhất trong nhóm. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó?
Tôi tin rằng, sự khác biệt nằm ở sự kết nối giữa nỗ lực bên ngoài và nỗ lực bên trong, và sự kiên trì theo đuổi những giá trị dài hạn. Những người thành công thực sự không chỉ cố gắng để đáp ứng nhu cầu nhất thời của xã hội mà còn nỗ lực vì những giá trị mà họ thực sự tin tưởng. Họ không dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn bởi vì họ biết mình đang cố gắng vì điều gì.
Kết luận
Trong giai đoạn khó khăn này, việc tìm kiếm một công việc phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng chúng ta cũng dành thời gian để nhìn nhận lại sự "cố gắng" của mình. Liệu chúng ta chỉ đang cố gắng theo những xu hướng nhất thời hay đang xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn dựa trên những giá trị cốt lõi của bản thân? Sự cố gắng thực sự đòi hỏi sự kiên trì, sự kết nối với những giá trị bên trong và một tầm nhìn dài hạn.
Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *